Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

MỘT SỐ BIỆN PHÁP HÌNH THÀNH NĂNG LỰC, PHẨM CHẤT CHO HỌC SINH TIỂU HỌC


Một số giải pháp hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh tiểu học
          Việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nêu trên bước đầu hình thành các năng lực, phẩm chất cần thiết cho học sinh như: năng lực tự học, giao tiếp, hợp tác, tự trọng, tự tin, tính kỉ luật...
MỘT SỐ BIỆN PHÁP HÌNH THÀNH NĂNG LỰC, PHẨM CHẤT CHO HỌC SINH TIỂU HỌC 
          Giúp giáo viên chuyển từ dạy học thành quá trình tự học của học sinh
          Để làm được điều này đòi hỏi mỗi giáo viên phải có hiểu biết cơ bản về nội dung chương trình của lớp học, cấp học. Mạnh dạn đổi mới cách thiết kế và tổ chức lớp học trong đó các hoạt động thực hành cần được thực hiện thường xuyên. Chuyển quá trình thuyết giảng một cách hình thức, áp đặt của người dạy thành quá trình tự học, tự tìm tòi, khám phá của người học.
          Trong quá trình dạy học trên lớp, giáo viên có thể thực hiện theo trình tự:
          - Giúp học sinh nắm được mục tiêu nhiệm vụ học tập;
          - Tự mình giải quyết nhiệm vụ học tập;
          - Khi gặp khó khăn mới trao đổi với bạn (khi đó nhóm học tập hình thành một cách tự nhiên theo nhu cầu của chính các em).
          - Các bạn trong nhóm trao đổi bài kiểm tra cho nhau, nói cho nhau kết quả, cách làm của mình.
          - Báo cáo kết quả học tập trước lớp cho các bạn và cô giáo. 
          - Thực hiện nhiệm vụ học tập mới.
          Trong khi học sinh học, giáo viên chọn vị trí thích hợp quan sát thái độ, cử chỉ nét mặt để phát hiện em nào gặp khó khăn, kịp thời có biện pháp giúp đỡ. Nếu nhiệm vụ học tập là vấn đề khó với đa số học sinh, giáo viên mới hướng dẫn chung với cả lớp. Để học sinh thuận lợi trong trao đổi, tương tác, việc kê bàn ghế cần bố trí phù hợp, nên kê theo nhóm, học sinh ngồi đối diện với nhau.
          Với cách tổ chức dạy học như vậy, cách đánh giá học sinh cũng được chuyển trọng tâm từ đánh giá "kết thúc", đánh giá "tổng kết" sang đánh giá quá trình, đánh giá "tiến trình"; chuyển đánh giá "bằng điểm số"sang đánh giá "bằng nhận xét".
          Việc đánh giá quá trình phát triển, đánh giá sự tiến bộ mới là đánh giá thiết thực và hiệu quả nhất cho sự phát triển của mỗi học sinh.
          Điều này đòi hỏi giáo viên phải thường xuyên quan sát, theo dõi cá nhân học sinh, nhóm học sinh trong quá trình học tập để có nhận định, động viên hoặc gợi ý, hỗ trợ kịp thời đối với từng việc làm, từng nhiệm vụ của mỗi cá nhân hoặc của cả nhóm học sinh.
          Hiện nay sách giáo khoa theo chương trình VNEN được thiết kế khá phù hợp, các nội dung, nhiệm vụ học tập cho cá nhân, nhóm, cả lớp khá rõ ràng. Tuy nhiên sách giáo khoa theo chương trình hiện hành không như vậy. Điều này đòi hỏi, mỗi giáo viên phải tâm huyết, đầu tư công sức để thiết kế các nhiệm vụ học tập thật linh hoạt, phù hợp với điều kiện của lớp.
Xuất phát từ yêu cầu đó, nhà trường cần đổi mới trong việc chỉ đạo thực hiện chương trình và sách giáo khoa:
Một là, nhà trường cần chủ động trong việc xây dựng thời khoá biểu để thực hiện chương trình dạy học. 
          Căn cứ để xây dựng thời khoá biểu cần thực hiện:
          - Kế hoạch dạy học các môn được Bộ GD&ĐT quy định;
          - Số lượng, tỷ lệ giáo viên trên lớp của nhà trường;
          - Thông tư số 28 của Bộ GD&ĐT quy định định mức lao động của giáo viên phổ thông;
          - Các điều kiện để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày của nhà trường;
Hai là, giao quyền tự chủ cho giáo viên trong quá trình giảng dạy.
          Để xác định nội dung bài dạy, giáo viên được quyền chủ động, linh hoạt và phải thực sự sáng tạo để lựa chọn nội dung cho thật phù hợp với đối tượng học sinh lớp mình. Giáo viên cần xác định những nội dung dạy học chung cho cả lớp nhằm đạt được yêu cầu chuẩn kiến thức và kỹ năng, đồng thời xác định nội dung dạy học riêng cho từng nhóm đối tượng. Với những nội dung không phù hợp với học sinh, giáo viên có thể chủ động thay thế bằng những nội dung khác trên cơ sở đảm bảo yêu cầu về kiến thức và kỹ năng. Với các bài tập có trong sách giáo khoa nhưng nội dung không gần gũi với học sinh có thể được thay thế bằng bài tập khác có độ khó tương tự nhưng gần gũi dễ hiểu hơn với các em.
Ba là, tự chủ trong việc lựa chọn phương pháp dạy học.
          Việc lựa chọn phương pháp dạy học phụ thuộc vào năng lực, trình độ, sở trường của giáo viên và đối tượng học sinh. Trong quá trình dạy học, giáo viên được chủ động lựa chọn các hình thức dạy học, kết hợp các phương pháp dạy học sao cho học sinh tích cực tham gia bài học. Trong cùng một bài dạy hay một nội dung dạy học của cùng một tiết học, mỗi giáo viên lựa chọn phương pháp, hình thức dạy học khác nhau.
Bốn là, tự chủ về thời lượng dạy học.
          Thời lượng dạy học được quy định cho từng môn học, tiết học chỉ mang tính tương đối. Trong quá trình dạy học, giáo viên được quyền chủ động tăng hoặc giảm thời lượng một số bài học trên cơ sở không tăng hoặc giảm tổng thời gian dạy học trong ngày.
Năm là, nâng cao năng lực tự chủ cho giáo viên trong việc thực hiện chương trình giáo dục.
          Một số biện pháp nhằm nâng cao năng lực tự chủ cho giáo viên:
- Thực hiện tốt công tác đánh giá giáo viên hàng năm theo “chuẩn nghề nghiệp giáo viên Tiểu học”, trên cơ sở đó xác định yêu cầu tự bồi dưỡng của từng giáo viên để đáp ứng các tiêu chí của chuẩn nhằm tư vấn định hướng công tác tự bồi dưỡng của mỗi giáo viên.
- Tổ chức hội thảo về nâng cao năng lực tự chủ trong việc thực hiện chương trình giáo dục. Giao cho giáo viên giỏi, giáo viên có năng lực chịu trách nhiệm trong việc đề xuất những cách làm hay để giáo viên cùng thảo luận và đi đến kết luận về biện pháp thực hiện.
- Tổ chức sinh hoạt chuyên môn với nội dung dự giờ dạy minh hoạ ở nhiều lớp khác nhau nhằm giúp giáo viên có thể học tập lẫn nhau, tạo điều kiện để từng người rút ra những kinh nghiệm cho riêng mình và vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo cho đối tượng học sinh của lớp mình.
Tự chủ trong tổ chức các hoạt động trải nghiệm
Hoạt động ngoài giờ lên lớp có vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống và hình thành nhân cách, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.
Giáo viên được chủ động trong việc bố trí thời gian, nội dung và hình thức hoạt động theo điều kiện của lớp, của trường.
Khi tổ chức hoạt động trải nghiệm, giáo viên cần lựa chọn những nội dung để học sinh cả lớp được tham gia; khuyến khích, động viên và tạo cơ hội để các em được tham gia bàn bạc từ khâu chuẩn bị đến khâu thực hiện và có viết thu hoạch cho bản thân sau mỗi hoạt động. Có làm như vậy, mới hình thành được ở các em năng lực phán đoán, óc tổ chức, năng lực tổng kết đánh giá cũng như các phẩm chất tự tin, tự chịu trách nhiệm, tinh thần hợp tác chia sẻ.
Ví dụ: Cuối tuần này, lớp dự định tổ chức một gian hàng để tham gia hội chợ cùng với các lớp khác. Giáo viên cần gợi ý để các em bàn bạc thảo luận xem mình cần chọn những mặt hàng nào? Nguồn hàng lấy ở đâu ra? Sắp xếp gian hàng cần chuẩn bị những gì? Ai là người bán? Khi bán hàng cần có thái độ ra sao? Khi người mua chê, hoặc trả giá thấp thì xử lí thế nào? Dự đoán mặt hàng nào bán chạy nhất?... Giáo viên đề nghị các em ghi chép cẩn thận để phân công, ghi cả những tình huống đã dự đoán. Sau khi trải nghiệm, giáo viên đề nghị các em ghi chép lại kết quả đối chiếu với những gì đã dự đoán trước đó để rút kinh nghiệm cho bản thân.
Nhà trường phối hợp với Tổng phụ trách Đội tổ chức các hoạt động chung cho học sinh theo khối lớp hay toàn trường. Những hoạt động này cần huy động sự tham gia của phụ huynh và cộng đồng để họ thêm hiểu và có những ý kiến đóng góp sát thực trong việc đánh giá học sinh.
Tổ chức và duy trì tốt hoạt động của hội đồng tự quản; hoạt động các câu lạc bộ sở thích; phát huy tác dụng của các góc trang trí lớp học, hoạt động thư viện thân thiện, thư viện xanh...
Giáo viên cần mạnh dạn giao cho hội đồng tự quản thực hiện các nhiệm vụ quản lí lớp, duy trì tổ chức sinh hoạt lớp, giờ chào cờ đầu tuần; khuyến khích các em tích cực tham gia trang trí lớp, tự tổ chức các hoạt động vui chơi, đăng kí tham gia các câu lạc bộ, tránh làm thay, làm hộ học sinh. Giáo viên chỉ đóng vai trò là người tư vấn giúp đỡ. Làm như vậy các em mới có cơ hội bộc lộ khả năng của bản thân, rèn luyện các phẩm chất, năng lực cần thiết.
Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, các kĩ thuật dạy học tích cực: Khăn trải bàn, Sơ đồ tư duy, Nhóm cộng tác...
Đây là các phương pháp, kĩ thuật dạy học tương đối dễ áp dụng ở tiểu học, không đòi hỏi phải đầu tư nhiều phương tiện, đồ dùng học tập, song lại là cơ hội tốt để các em rèn tính hợp tác, kĩ năng chia sẻ, lắng nghe, óc tư duy, kĩ năng ra quyết định.
Triển khai thực hiện dạy học các môn Tự nhiên xã hội, khoa học theo Phương pháp dạy học Bàn tay nặn bột
Đây là một phương pháp dạy học tích cực dựa trên thí nghiệm nghiên cứu, áp dụng cho việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên. "Bàn tay nặn bột" (BTNB) chú trọng đến việc hình thành kiến thức cho học sinh bằng các thí nghiệm tìm tòi nghiên cứu để chính các em tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra...
Với một vấn đề khoa học đặt ra, học sinh có thể đặt ra các câu hỏi, các giả thuyết từ những hiểu biết ban đầu, tiến hành các thí nghiệm nghiên cứu để kiểm chứng và đưa ra những kết luận phù hợp thông qua thảo luận, so sánh, phân tích, tổng hợp kiến thức. Ngoài việc chú trọng đến kiến thức khoa học, BTNB còn chú ý nhiều đến việc rèn luyện kỹ năng diễn đạt thông qua ngôn ngữ nói và viết cho học sinh.
Cùng giáo viên xây dựng sứ mạng, tầm nhìn, xác định giá trị của nhà trường; giúp mỗi giáo viên thấy rõ vai trò của mình trong nhà trường, từ đó chia sẻ tầm nhìn để giáo viên nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của đổi mới phương pháp dạy học thông qua sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học
Xét cho cùng, chất lượng giáo dục của nhà trường phụ thuộc vào chất lượng của mỗi giáo viên, năng lực chuyên môn của mỗi thầy cô lại phụ thuộc rất lớn vào việc học tập bồi dưỡng thường xuyên. Ở trường, sinh hoạt chuyên môn chính là nhằm giúp mỗi giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn cho bản thân.
Sinh hoạt chuyên môn(SHCM) là một quá trình các giáo viên tham gia vào các khâu từ chuẩn bị, thiết kế bài học sáng tạo, dạy thể nghiệm, dự giờ suy ngẫm và chia sẻ các ý kiến về những gì đã diễn ra trong việc học của học sinh. Đây là hoạt động học tập lẫn nhau, học tập trong thực tế, là nơi thử nghiệm và trải nghiệm những cái mới, là nơi kết nối lý thuyết với thực hành, giữa ý tưởng và thực tế. Trong quá trình học tập đó, giáo viên sẽ học được nhiều điều để phát triển năng lực chuyên môn mới. Cần tạo cho họ có động lực tham gia SHCM để học tập lẫn nhau, nâng cao năng lực chuyên môn. Cần cho giáo viên thấy được SHCM có mục đích chính là nâng cao chất lượng các bài học của học sinh. Để đạt được mục đích đó giáo viên cần biết: Học cách quan sát tinh tế, nhạy cảm của học sinh. Hình thành khả năng quan sát, phán đoán và phản ứng trước thông tin thu được về học sinh, đây là một năng lực mới đặc biệt quan trọng đối với giáo viên. Đào sâu hiểu biết về công việc của mỗi giáo viên, làm cho họ hiểu sâu, rộng hơn về học sinh, đồng nghiệp, về bản thân trước các yêu cầu luôn thay đổi trong hoạt động dạy học. Hình thành sự chấp nhận lẫn nhau giữa các giáo viên và giữa giáo viên với học sinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Câu 2: TRÌNH BÀY NỘI DUNG VÀ BẢN CHẤT NGUYÊN TẮC TẬP TRUNG DÂN CHỦ Khái niệm:  Như bất kỳ một tổ chức chính trị nào khác, sự tồn tại v...